Menu

Dịch từ bài viết “Investigating the Causes of Aquarium Contamination” trên tạp trí Aqua Journal số tháng 11/2012 trang 46, 47 bởi bouaqua.
bẩn nước bể thủy sinh
Nguyên nhân nào làm suy giảm chất lượng nước trong bể thủy sinh?
Ngay trong một bể thủy sinh với cây trồng tươi tốt dần dần cũng sẽ xuất hiện rêu tảo hại và các chất bẩn nếu nó không được chăm sóc và thay nước thường xuyên. Chúng ta có thể thấy một số hồ rất nhanh bị ô nhiễm trong khi một số hồ khác thì không. Sự khác biệt giữa chúng là gì? Trong phần này chúng ta sẽ cùng điểm danh những nguyên nhân gây ô nhiễm nước trong bể thủy sinh.

1. Bùn

Chất thải của động vật thủy sinh cũng như thức ăn dư thừa lắng đọng xuống bề mặt nền và dần bị vi sinh vật phân hủy, sản phẩm của quá trình này là một chất màu nâu – đó là bùn. Lớp bùn này thường không bị để ý do cây trồng dày đặc trong bể đã che giấu chúng. Nhưng với những bể có nền cát trang trí thì sự xuất hiện của bùn thật sự rất khó coi. Ngoài ra lớp bùn này cũng là nguồn sản sinh nitơ và phốtpho (nguyên nhân của rêu tảo hại) nếu có sự tích lũy quá mức cho phép. Hơn nữa bùn có thể được khuấy động trong nước, vương vào mang cá và gây bệnh ở mang. Vì những lý do đó bùn nên được loại bỏ càng nhiều càng tốt khỏi nền bể thủy sinh để đảm bảo chất lượng nước.

2. Rêu tảo hại

Tảo xanh và tảo nâu dạng sợi là những nguyên nhân gây ô nhiễm đáng chú ý nhất trong bể thủy sinh. Khi tảo phát triển trên mặt kính của bể thủy sinh, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy chúng. Bào tử tảo tồn tại trong không khí và vì vậy mà không có cách nào để ngăn chúng xâm nhập vào bể, chúng ta chỉ có thể kiểm soát sự phát triển của tảo ở mức thấp nhất. Rêu tảo thường sẽ mọc nhanh nếu trong nước hồ có nhiều chất dinh dưỡng (đặc biệt là nitơ và phốtpho). Có thể giảm những chất này bằng cách đơn giản là thay nước. Rêu tảo cũng sẽ giảm nếu ta giảm được lượng bùn vì đây là nguồn gốc sinh ra cách chất dinh dưỡng thừa, đồng thời giảm thức ăn cho động vật thủy sinh nếu thấy chúng quá nhiều so với nhu cầu.

3. Sò nước

Một bể thủy sinh trông sẽ không được sạch sẽ nếu xuất hiện quá nhiều sò nước trong đó. Sò nước đi vào bể thủy sinh qua trứng có sẵn trong cây thủy sinh hoặc những con sò trưởng thành vô tình được đưa vào hồ. Sò là loài lưỡng tính và số lượng của chúng sẽ tăng lên nhanh chóng. Nếu không bị loại trừ, chúng sẽ dần xuất hiện trên kính hồ gây mất thẩm mỹ. Rất khó để loại bỏ hoàn toàn cách loại sò nước, ốc hại, vì vậy hãy cố gắng giảm số lượng của chúng càng nhiều càng tốt mỗi lần thay nước hoặc dùng lưới cọ chúng ra khỏi kính bể.

4. Nước đục

Nước đục là một yếu tố làm mất thẩm mỹ của bể thủy sinh. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm các hạt mịn từ nền, vi khuẩn lơ lửng trong nước, mầm rêu tảo hoặc nước bị ngả màu do lũa. Vấn đề này có thể được giải quyết tạm thời bằng cách thay nước, và nó sẽ nhanh chóng tái phát nếu ta không xử lý được tận gốc vấn đề. Nếu nước đục do hạt mịn từ nền, có thể ta sẽ phải giảm số lượng động vật thủy sinh trong hồ hoặc xử lý lại lũa ở những vị trí tiếp xúc trực tiếp với dòng chảy của nước. Sử dụng đèn UV có thể xử lý được vi khuẩn và tảo trong nước và sử dụng than hoạt tính sẽ giúp cải thiện hiện tượng vàng nước, ngoài ra ta còn kiểm soát được các hợp chất hữu cơ trong nước.

5. Váng trên mặt nước

Ngay với những bể thủy sinh nước trong veo cũng sẽ không được coi là sạch nếu có một lớp váng trên mặt nước. Nguyên nhân chính của vấn đề này là những vi khuẩn đã chết và trôi nổi trên mặt nước. Đôi khi các bóng bóng khí bị mắc lại dưới lớp váng này và tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển trong đó khiến cấu trúc của lớp váng trở nên khó bị phá vỡ. Bên cạnh việc sử dụng một bộ lọc váng, việc bố trí đầu nước ra hợp lý tạo dòng nước chảy trên mặt cũng sẽ giúp phá tan sự hình thành của lớp váng này.

6. Vết ố trắng trên kính

Vệt trắng này thường xuất hiện ở mép nước và có thể được quan sát khi nước đã khô đi. Có nhiều chất khác nhau được hòa tan trong nước bể thủy sinh (bao gồm canxi và magiê) và khi nước bốc hơi để lại bụi bẩn – đó là vết ố trắng. Vết nước này có thể được loại bỏ bằng cách làm ướt kính và lau kỹ bằng một mảnh vải. Tuy nhiên với những vết ố cứng đầu ta có thể sử dụng một chút giấm để làm mềm chúng giúp dễ loại bỏ hơn.
Nguồn: Aqua Journal 11/2012

Đăng nhận xét

 
Top